Được Trần Tất Đạt khích lệ, Giang Vũ lại thắp lên ước mơ, và với tấm lòng son của Giang Vũ, Trần Tất Đạt cũng tìm lại ước nguyện thuở xưa, đồng thời bắt đầu học gánh vác trách nhiệm của người làm cha.
Trần Tất Đạt và Giang Vũ dần trở thành bạn thân nhất, hợp tác và chiến thắng cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh cấp ba, đồng thời dẫn dắt cả lớp tham gia giải đua việt dã, một lần nữa khơi dậy tinh thần chiến đấu và tinh thần đoàn kết của toàn thể giáo viên học sinh. Thế nhưng, Cao Văn Minh thức tỉnh, khủng hoảng sự nghiệp của Trần Tất Đạt cũng theo đó tăng lên. Trần Tất Đạt rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, đành cho Giang Vũ biết chân tướng: “Thật ra, bố là bố con”.
Ước mơ quý báu, tình bạn hồn nhiên và khát khao tình cha, trong tích tắc đều vỡ nát vì câu nói bình thường này. Giang Vũ không chấp nhận được Trần Tất Đạt dối gạt và lợi dụng mình, còn Trần Tất Đạt thấy Giang Vũ đau lòng cũng không biết phải giải thích ra sao.
Thời gian không chờ đợi ai, hai người chưa kịp hóa giải hiểu lầm lại buộc phải hợp tác một lần nữa. Trong cơn khủng hoảng, Trần Tất Đạt vô tình hiểu được lý tưởng, tình cảm và sự khát khao tình cha của con trai. Cuối cùng thì Trần Tất Đạt đã thức tỉnh, ông ý thức được mình là một người cha, đồng thời cũng là một nhà khoa học, có trách nhiệm cần phải gánh vác. Để bảo vệ con trai, càng vì sứ mệnh của nhà khoa học, Trần Tất Đạt lựa chọn hy sinh bản thân để cứu mọi người.
Vào giây phút cuối cùng, tình cảm chân thật của cha con mới bộc lộ, ngay lúc Giang Vũ cất tiếng gọi Trần Tất Đạt là “bố” lần đầu trong đời, cơ thể Trần Tất Đạt cũng tắt thở.
Mọi thứ trở về bình lặng vốn có, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên Giang Vũ dường như trưởng thành hơn nhiều, tấm lòng son không đổi, và còn có can đảm và năng lực để đối mặt với cái tôi và gánh vác trách nhiệm. Còn tình bạn của Giang Vũ và Cao Văn Minh cũng sẽ kéo dài mãi mãi.